(TBKTSG Online) – Các cuộc hội nghị chuyên ngành và báo cáo về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đều đưa ra lời dự báo về hàng loạt khó khăn, thách thức trong năm 2018 này. Và một trong những nhóm giải pháp chủ đạo, mang tính dài hạn đó là việc nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, để có thể giữ vững thị trường cữ đồng thời mở cánh cửa đến với thị trường mới.
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng giá rất lớn trong năm 2017 nhưng Việt Nam lại mất mùa, và thách thức trong năm nay là cà phê có thể được mùa những không chắc sẽ được giá. Ảnh minh họa: Tự Phong |
Một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc về xuất khẩu diễn ra vào tuần qua là việc các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt trong thời gian sắp tới.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, tại sự kiện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017, những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu hiện nay là sự dịch chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long,…). Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu…
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018. Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn.
Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Thứ hai, nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.
Thứ ba, nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.
Gián tiếp và trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhân vật chính trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, được các cơ quan quản lý xây dựng theo hướng gián tiếp lẫn trực tiếp. Những giải pháp hỗ trợ gián tiếp nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng. Cụ thể, trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, ngoài việc thúc đẩy sản xuất phát triển, cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.
Trong giải pháp này, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất quan trọng, thông qua những đầu việc có thể thực hiện một cách nhanh chóng và cần thiết. Cụ thể, nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới trên 3,5 tỉ đô la Mỹ/năm nhưng ngành điều vẫn phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn điều thô hằng năm (trên tổng nhu cầu khoảng 1,4 triệu tấn) để sản xuất nhân điều xuất khẩu.
Nghiên cứu giải pháp để khuyến khích người dân không khai thác sớm các diện tích rừng trồng. Hiện nay, do khai thác sớm nên thân gỗ rừng trồng chỉ thích hợp để băm dăm, giá trị xuất khẩu không cao. Nếu giữ lại để khai thác muộn hơn, thân gỗ sẽ đủ lớn để chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu, giá trị sẽ lớn hơn nhiều.
Nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp người dân tái canh cây cà phê, từ đó ổn định sản lượng cà phê nhân xuất khẩu ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp phát triển hoạt động sản xuất giống thủy sản, nhất là giống có khả năng kháng bệnh.
Với một số mặt hàng đang có biểu hiện dư thừa nguồn cung như hồ tiêu, lúa nếp, ngành nông nghiệp và các ngành có liên qua cần có biện pháp để kiểm soát tốt hơn diện tích trồng trọt, gắn sản xuất với tín hiệu thị trường.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng và tăng cường công tác đàm phán với cơ quan đồng cấp trên một số thị trường trọng điểm để giải quyết các vấn đề có liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp nông, thủy sản của ta, đặc biệt là rau quả, thịt và sản phẩm thịt, sữa và sản phẩm sữa tận dụng được cơ hội mở ra khi thuế nhập khẩu trên các thị trường này được cắt giảm hoặc xóa bỏ.
Bên cạnh đó, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO.
Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ trực tiếp sẽ hướng vào việc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, công tác cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng.
Để triển khai Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định quy định chi tiết về hoạt động xuất xứ hàng hóa, thương mại biên giới, phòng vệ thương mại và các biện pháp hỗ trợ hoạt động ngoại thương. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (thay thế Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) hiện đang được trình Chính phủ xem xét trước khi ban hành.
Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ 6 tháng một lần phát hành bản báo cáo đánh giá thị trường nông, thủy sản, trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả, thị trường của một số nông, thủy sản xuất khẩu chính để doanh nghiệp và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu sẽ được thực hiện cùng với Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, các chương trình nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo thesaigontimes.vn