Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam chỉ tương đương khoảng 16% GDP. Con số này thấp hơn báo cáo của Ngân hàng thế giới, nhưng vẫn là mức không nhỏ. Nếu các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới như Blockchain, hiệu quả sẽ được nâng lên, từ đó kéo giảm chi phí logistics.
Chi phí logistics nhỏ hơn 20,8% GDP
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí logistics chỉ tương đương khoảng 16% GDP thay vì con số 20,8% thường được báo chí nhắc đến.
“VLA đã tổ chức buổi thông tin vào ngày 20/3 tại TP.HCM, sau khi có rất nhiều trích dẫn cho rằng chi phí logistics cao. Đây là nhận định chưa đúng và chưa cập nhật. 20,8 % là con số được trích từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong một dự án phối hợp với Bộ Giao thông vận tải. Báo cáo đó được công bố năm 2014, dựa vào những số liệu vào thời điểm năm 2011” – ông Nguyễn Duy Minh nói.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khiến tỷ lệ chi phí logistics/GDP vẫn cao. Theo Tổng Thư ký VLA, tỷ lệ này hoàn toàn có thể giảm nhanh nếu mỗi doanh nghiệp logistics ứng dụng thêm các công nghệ đặc thù.
Ví dụ về việc vận chuyển hàng bảo quản ở nhiệt độ thấp như thịt, sữa,… Hàng hóa từ nhà sản xuất được đưa lên phương tiện vận tải. Khi đến nhà phân phối, hàng hóa tiếp tục được chia nhỏ để chuyển tới các cơ sở tiêu thụ. Một lần nữa hàng hóa được đưa lên phương tiện vận chuyển. Trong mỗi một khâu của quá trình vận chuyển, nhiệt độ phải được giữ ở nhiệt độ 18 độ C, và chỉ cần một chênh lệch nhỏ cũng khiến hàng hóa bị hư hỏng, lãng phí và khiến giá thành hàng hóa bị đội lên.
“Logistics là quản trị các dòng vận tải, trong đó có dòng vận tải hàng hóa và dòng vận tải thông tin đi kèm. Trong trường hợp trên là thông tin về nhiệt độ. Trùng hợp là quản trị dòng thông tin cũng chính là đối tượng mà Blockchain nhắm đến. Khi doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ Blockchain, thông tin sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ một mắt xích trong chuỗi không tuân thủ yêu cầu về nhiệt độ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể biết và chặn ngay lô hàng tại đó” – ông Nguyễn Duy Minh phân tích.
Blockchain sẽ giúp thay đổi ngành logistics như thế nào?
Ông Ôn Như Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghê thông tin (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – VNPost) cho biết, có 4 tồn tại mà mọi doanh nghiệp logistics phải đối mặt:
Ông Ôn Như Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghê thông tin (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – VNPost)
Một là, tồn đọng vốn. Các doanh nghiệp logistics toàn cầu đang bị đọng 142 tỷ USD do tranh chấp thương mại.
Hai là, 20% tổng chi phí logistics phụ thuộc vào các giao dịch trên giấy và xử lý dữ liệu ở các hệ thống độc lập.
Ba là, phương tiện rỗng. Ước tính, có tới 29 tỷ dặm xe đang phải chạy không tải hoặc tải không hết công suất.
Bốn là, sản phẩm bị hỏng trên quá trình vận chuyển. Mỗi năm, tổng giá trị vắc xin, dược phẩm và các hàng hóa đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ đặc biệt bị hỏng trong quá trình vận chuyển đạt tới 13,4 tỷ USD.
“Đặc tính của Blockchain có thể giải quyết được các bài toán trên. Mỗi dữ liệu sẽ được rút gọn lại và liên kết với nhau thành chuỗi. Những khối dữ liệu liên kết chặt chẽ với nhau và được minh bạch, không thể sửa chữa dữ liệu. Tồn đọng vốn có thể được khắc phục với hợp đồng thông minh chứa các số liệu kế toán minh bạch. Nắm bắt được thông tin về lượng hàng hóa trên xe cũng giúp doanh nghiệp chủ động được chiều về” – ông Ôn Như Bình trình bày tại Vietnam Blockchain Summit 2018, sáng 08/6 tại Hà Nội.
Tuy blockchain có tiềm năng nâng cao hiệu quả trong hoạt động logistics, nhưng việc ứng dụng công nghệ này còn hạn chế. Theo ông Ôn Như Bình, có sự khác nhau giữa chuẩn kết nối dữ liệu của các doanh nghiệp. Đây là rào cản khiến thông tin không thông suốt. Để khắc phục điều này, VNPost đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia Liên minh BiTA (Blockchain in Transport Alliance) để nắm bắt các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào thời điểm chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Khác với Internet và thương mại điện tử, Blockchain vẫn đang được ứng dụng tự phát theo nhu cầu của doanh nghiệp mà không có chính sách quản lý của Nhà nước. Trong khi đó, hàng loạt vụ lừa đảo liên quan tới tiền ảo đang khiến nhiều người tỏ ra thiếu thiện cảm với công nghệ mới.
“Công nghệ Blockchain là biểu tượng của Công nghiệp 4.0. Tiền ảo chỉ là một ứng dụng của công nghệ này. Hiệp hội đang rất khuyến khích các hội viên trong ngành ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cản trở thì chưa thấy vì hiện không có hành lang pháp lý. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là công nghệ. Vấn đề là chúng ta phải hiểu rằng, công nghệ sẽ xoay chuyển, giúp nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ” – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ